Mở đầu buổi tập huấn, Đ/c Nguyễn Thu Hà - HT nhà trường phát biểu chia sẻ về những trăn trở: “Làm thế nào để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, hạnh phúc bền vững và hạnh phúc đúng nghĩa?”.
Tại buổi tập huấn, TS. Nguyễn Duy Nhiên chia sẻ, học sinh hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc bắt nguồn từ hạnh phúc của người giáo viên. Nghĩa là, muốn kiến tạo được trường học hạnh phúc thì trước tiên thầy cô phải là những người hạnh phúc: “Giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Thầy cô cần khích lệ cho học trò nói ra những điều mà học trò nghĩ, tôn trọng sự khác biệt trong tư duy của các em, luôn sẵn sàng lắng nghe suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và sẵn sàng làm tất cả những điều tốt nhất cho học sinh của mình. Khi hạnh phúc của thầy cô được lan tỏa đến học sinh, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Giáo dục chủ trương phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, tuy vậy, thực tế là các gia đình thường có tâm lý muốn con học giỏi, nhà trường có các hình thức đo năng lực, xã hội cũng trả công theo năng lực. Điều đó vô hình chung tạo nên sức ép tâm lý cho học sinh nhằm thoả mãn nhu cầu của xã hội. Thầy cô muốn học trò của mình cảm nhận được hạnh phúc trong mỗi buổi đến trường thì phải có phương pháp giúp học trò thoải mái trong học tập, không bị áp lực bởi điểm số thành tích.
Chuyên gia cũng nhận định, trường học hạnh phúc là khi nhà quản lí, giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc. Đó là khi trong nhà trường có sự hỗ trợ, bao dung, quan tâm, chia sẻ và tin tưởng; công bằng, được bảo vệ, kỷ luật tích cực, không bạo lực và thân thiện; lắng nghe, dân chủ, có quyền riêng tư, sự khác biệt và thấu hiểu. Tóm lại, mô hình trường học hạnh phúc được xây dựng dựa trên ba trụ cột, ba giá trị cốt lõi là: Yêu thương, An toàn và Tôn trọng.
Người giáo viên chỉ thực sự hạnh phúc khi nhận được sự tôn trọng và trân trọng, được động viên và khích lệ từ phía học sinh cũng như các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như cấp trên, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và xã hội. Chúng ta không nên tuyệt đối hoá vai trò của nhà quản lí, giáo viên, ngay cả những nhân viên bình thường như tạp vụ, bảo vệ trong trường học cũng không kém phần quan trọng. Ngoài ra, thầy cô sẽ hạnh phúc khi được “trao quyền” để thực hiện sứ mệnh, được dạy học trong một môi trường văn minh, mô phạm, có đầy đủ điều kiện để phát triển cả về phẩm chất và năng lực chuyên môn, được sáng tạo và cống hiến như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã từng tâm niệm: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý; nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Trường học hạnh phúc góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực: tạo môi trường phát triển toàn diện, tạo nên hứng thú, hạnh phúc trong học tập, gây dựng được niềm tin, sự hài lòng và hợp tác, đồng trách nhiệm của phụ huynh học sinh, xây dựng, phát triển đội ngũ giàu phẩm chất, năng lực, nhiệt huyết, yêu nghề, tận tâm cống hiến, kiến tạo bầu không khí – môi trường giáo dục yêu thương, kỷ cương, trách nhiệm.
Theo TS.Nguyễn Duy Nhiên, xây dựng văn hoá ứng xử trong nhà trường cần dựa trên nguyên tắc giao tiếp lắng nghe để thấu hiểu. Người giáo viên vừa là người viết kịch bản, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính, “sắm” đúng vai của mình để quá trình dạy và học đạt hiệu quả nhất. Phương pháp dạy quyết định phương pháp học, vì vậy trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay, giáo viên cần tiếp cận kĩ thuật dạy học thích ứng, lấy việc chiếm lĩnh tri thức và thực hành kỹ năng phát triển năng lực làm trung tâm, để giáo viên không còn là "người lái đò thầm lặng bên sông vắng" mà là "người dẫn đường cho trí tuệ và tâm hồn của thế hệ trẻ tương lai".
Buổi tập huấn "Trường học hạnh phúc, Văn hoá ứng xử và nghệ thuật sư phạm của giáo viên" của trường THPT Mỹ Đình đã kết thúc trong không gian tràn ngập cảm xúc hạnh phúc, yêu thương của các giáo viên, nhân viên tham gia.
Đ/c Nguyễn Thu Hà tặng hoa cảm ơn
TS.Nguyễn Duy Nhiên
Tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng TS.Nguyễn Duy Nhiên