Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục được xem là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có nhiều định nghĩa và cách giải thích về khái niệm "chuyển đổi số", nhưng có thể kết luận rằng: Quá trình chuyển đổi số là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo trên không gian mạng. Tại Việt Nam, có nhiều hoạt động giáo dục đã được chuyển đổi như giáo viên dạy học trực tuyến, học sinh làm bài tập/bài kiểm tra qua các phần mềm hỗ trợ,…Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp chúng ta tiếp cận thông tin, kiến thức dễ dàng, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian và thời gian, cung ứng cho mỗi người nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân.
Một mục tiêu quan trọng không kém do Chính phủ đặt ra, đó là xây dựng xã hội học tập suốt đời. Khái niệm "học tập suốt đời" ngày càng được nhắc đến thường xuyên và trở thành một mục tiêu hàng đầu trong các chiến lược, chính sách về giáo dục của nhiều quốc gia. Theo UNESCO, "học tập suốt đời" là quá trình học tập diễn ra trong suốt cuộc đời, dựa trên bốn trụ cột: Học để biết, học để làm việc, học để cùng nhau chung sống và học để làm Người. Xây dựng một xã hội học tập chính là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời, hướng đã một xã hội với những công dân học tập, công dân toàn cầu.
Với mục tiêu xây dựng xã hội học tập trong thời đại chuyển đổi số, Chính phủ và các ban ngành đã từng bước hỗ trợ, đổi mới các phương pháp giảng dạy, truyền đạt và kiến thức để giúp công dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng dù trong thời điểm dịch bệnh. Có thể kể đến như dạy học trên truyền hình địa phương, truyền hình quốc gia, chương trình dạy học trên truyền hình bao gồm các kiến thức căn bản từ khối lớp tiểu học đến khối lớp phổ thông sát với nội dung học tập do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Việc giảng dạy trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp người học từ mọi độ tuổi, mọi khu vực địa lý đều được đảm bảo chất lượng giáo dục, không bị gián đoạn tri thức, phù hợp với trụ cột "học để biết" do UNESCO đề ra.
Chuyển đổi số trong giáo dục do nhà nước cùng các bộ, ban ngành liên quan chỉ đạo không chỉ phù hợp với trụ cột "học để biết" mà còn có rất nhiều kế hoạch, biện pháp giúp công dân tiếp cận với mục tiêu "học để làm việc". Trong các trường học, tổ chức giáo dục đã thực hiện giảng dạy qua các phần mềm hỗ trợ, xây dựng chương trình học tập trên không gian ảo đã giúp người học chủ động với việc học của mình, cải thiện khả năng tự học, khả năng ghi nhớ và khả năng tiếp thu. Trong thời đại công nghệ số và nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số trong giáo dục chính là cơ hội để công dân cập nhập và thích nghi, thay đổi phù hợp với thời đại, với sự biến đổi liên tục của công nghệ. Bên cạnh những lợi ích mà việc học trực tuyến đem lại như chủ động học tập, trách nhiệm với việc học, công việc của mình,… trên đài truyền hình quốc gia cũng có rất nhiều các chương trình giúp người học cải thiện khả năng ngôn ngữ như chương trình "Cùng nói tiếng Hàn", show "IELTS FACE-OFF"; và các bộ phim tư liệu, tọa đàm để mọi công dân hiểu hơn về tình hình trong nước và quốc tế. Ngoài ra, ở trong các trường học cũng như trên các nền tảng học tập trực tuyến cũng đã có những tọa đàm, khóa học kĩ năng sống, kĩ năng sử dụng các phần mềm điện tử, hướng dẫn kinh doanh online,… để người học có thể tự trang bị những kĩ năng cần thiết để có thể làm việc, học tập một cách tự chủ, không bị gián đoạn bởi các yếu tố xung quanh.
Nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật giáo dục số, công dân không chỉ có cơ hội học tập thường xuyên, thích nghi với thời đại mà còn tạo ra những sự tương tác đầy mới mẻ, bám sát với trụ cột "học để cùng nhau chung sống" - mục tiêu thứ ba của "học tập suốt đời". Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra những hướng dẫn để giáo viên và học sinh, sinh viên có cơ hội kết nối, học tập và giảng dạy ở mọi điều kiện địa lý thông qua các chương trình học tập trực tuyến. Học sinh, sinh viên không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, bởi điều kiện sống, học sinh, sinh viên có thể dễ dàng liên lạc, trao đổi với các bạn học để hoàn thành các bài tập, dự án. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, nhờ những chỉ đạo của Nhà nước và sự thay đổi kịp thời của ngành giáo dục để quá trình chuyển đổi số học tập được thúc đẩy, Việt Nam ta vẫn dành được rất nhiều giải thưởng danh giá trên đấu trường trí thức quốc tế như năm 2020 tại cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen. Có thể nói, chuyển đổi số trong giáo dục đã trở thành cầu nối để công dân Việt Nam có thể chung sống, vươn ra ngoài thế giới dù ở bất kì điều kiện nào.
Một nhà giáo dục nổi tiếng thế giới đã từng nói, đại ý là: "Cha mẹ sinh ra con, còn nền giáo dục sinh ra nhân cách". Hiểu được điều ấy, ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới để phù hợp với sự thay đổi của thời đại và công nghệ. Trong đó không thể kể đến các bài giảng, tọa đàm, khóa học về cách ứng xử văn minh trên internet, cách phân biệt tin giả và tin thật, cách bảo vệ bản thân cũng như thông tin cá nhân trên không gian ảo,… do các trường học, các bộ, ban ngành liên quan hướng dẫn và tuyên truyền. Đây không chỉ là những kĩ năng của một công dân thời đại số mà còn là những kĩ năng cần thiết để trở thành một công dân có ích, phù hợp với trụ cột cuối cùng mà UNESCO đề ra: "học để làm Người".
Có thể nói, giữa diễn biến phức tạp của đại dịch, Chính phủ và các ban ngành đã tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục được phát triển, đảm bảo mọi công dân đều có cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đúng với phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng học". Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đưa kiến thức đến với công dân một cách dễ dàng mà còn kịp thời hỗ trợ các kĩ năng cần thiết để bất kỳ ai cũng có thể trở thành một công dân của thời đại số, một công dân toàn cầu. Đặc biệt khi Việt Nam đang tiến vào thập kỷ thứ 3 của thế kỉ XXI, đây là thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục đã đem lại những cơ hội học tập và những cơ hội để mọi công dân có thể phát triển bản thân, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, công bằng hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học suốt đời.