Nhằm quảng bá những giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, từ đó lan tỏa tình yêu Hà Nội đến đông đảo học sinh; hướng tới mục đích giáo dục học sinh ý thức gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Hà Nội nói riêng và của dân tộc nói chung, thu hút học sinh tham gia các hoạt động bổ ích, an toàn, lành mạnh nhân dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc; tạo điều kiện và cơ hội để học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, giao lưu văn hóa; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, vào chiều thứ 4 ngày 11/01/2023 Trường THPT Mỹ Đình phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Smartcom và Ban quản lý di tích Hồ Hoàn Kiếm - Phố cổ Hà Nội đã tổ chức chương trình Giáo dục di sản “Thăng Long – Hà Nội Xưa và Nay”.
Tham gia Chương trình, học sinh THPT Mỹ Đình đã có dịp được tham quan trải nghiệm và ứng dụng tiếng Anh trong giao tiếp, tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.
Tại các địa điểm tham quan trải nghiệm như Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ; Ngôi nhà Di sản - số 87 Mã Mây; Đình Kim Ngân - số 42-44 Hàng Bạc; 22 Hàng Buồm, học sinh đã được tham gia trải nghiệm làm tò he; được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển khu phố cổ Hà Nội; được nghe giới thiệu về ngôi đình thờ tổ nghề... Tất cả các hoạt động đều được thực hiện dưới hình thức song ngữ: Việt - Anh.
Đặc biệt, tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, học sinh THPT Mỹ Đình đã được xem biểu diễn và thưởng thức âm nhạc dân gian truyền thống, với phần giới thiệu về văn hóa Việt bằng tiếng Anh dưới góc nhìn và sự tìm hiểu của người nước ngoài; với chương trình biểu diễn đặc biệt của các nghệ sĩ gạo cội: NSND Thanh Hoài, NSND Minh Gái, NSND Thúy Ngần ...
Qua lời dẫn dắt của nghệ sĩ Đàm Quang Minh và các tiết mục biểu diễn, những giá trị phi vật thể, những điệu hồn dân tộc đã sống dậy tại sân khấu 22 Hàng Buồm, với trích đoạn chèo "Xúy Vân giả dại", trích đoạn tuồng gắn với lời thơ "Chinh phụ ngâm", những điệu hát ru, hát chầu văn, hát quan họ, độc tấu đàn bầu... Dường như mỗi nghệ sĩ đã kể một câu chuyện âm nhạc của riêng mình, tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam.
Chương trình khép lại trong dư âm của những điệu nhạc, trong niềm xúc động, trăn trở và hi vọng của các nghệ sĩ về việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống:
"Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?"
Và học sinh THPT Mỹ Đình đã đáp lời bằng tình cảm xúc động, trân trọng, biết ơn; bằng tinh thần tiếp thu các giá trị văn hóa dân tộc thông qua hoạt động trải nghiệm.
Có thể nói, đây là hoạt động giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm đầy ý nghĩa, có sự kết hợp hiện đại với truyền thống, từ đó bồi đắp thêm trong mỗi học sinh tình yêu và niềm tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến, về dân tộc Việt Nam.
Dưới đây là những hình ảnh hoạt động.