Người ta thường nói, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Có một câu danh ngôn về việc đọc sách như sau: “Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó”. Trên thế gian này, có lẽ không có điều gì đặc biệt như sách, có thể đem lại cho con người sự trợ giúp phong phú về tri thức, về bài học thực tế trong cuộc sống. Sách giống như những người chỉ dẫn dày dặn kinh nghiệm, đem lại cho người đọc những định hướng rõ ràng, đồng thời cũng là những người bạn đồng hành ủng hộ và khích lệ về mặt cảm xúc.
Sách mở mang cho ta trí tuệ, đem đến cho ta hiểu biết, dẫn dắt chúng ta vào những chỗ sâu xa và giải thích những điều bí ẩn. Có thể nói khối lượng kiến thức thu thập được từ việc đọc sách chính là một thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người. Kiến thức trong sách vô cùng, vô tận, chúng ta nên lựa chọn, chắt lọc kiến thức để đọc, để có thể vận dụng vào cuộc sống thực tiễn. Một điển hình cho việc không ngừng đọc, không ngừng học hỏi không ai khác chính là vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của chúng ta. Người đi qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nhưng đi đâu Người cũng tìm tòi, cũng luôn mang theo mình những cuốn sách để không ngừng trau dồi cho mình những kiến thức. Để rồi khi đọc xong, khi trải nghiệm thực tế, Người mới thấu hiểu được nỗi thống khổ của những người dân bị áp bức, Người mới tìm ra con đường dẫn tới thắng lợi của các dân tộc bị áp bức chính là cách mạng xã hội chủ nghĩa…
Ngoài việc đem đến nguồn tri thức bổ ích và bài học thiết thực cho cuộc sống, thói quen đọc sách còn là một hình thức giải trí và thư giãn cho con người. Mỗi khi người đọc cảm thấy bế tắc, chán nản với cuộc sống, những cuốn sách tâm lý có thể xoa dịu cho tâm hồn của chúng ta. Mỗi cuốn sách về tâm lý, dạy kỹ năng sống, hay những cuốn sách văn học đều mang sứ mệnh giúp con người đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực, đen tối và thay vào đó bằng sự lạc quan, sống tích cực, sống tốt và hướng đến chân - thiện - mỹ ở mỗi con người, thông qua đó ẩn chứa nhiều bài học và thông điệp sống đầy khích lệ. Những tựa sách như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Nghĩ giàu làm giàu,... đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho rất nhiều người, đặc biệt là những người đang trong trạng thái bế tắc, tiêu cực và đang mất phương hướng trong cuộc sống. Chính những cuốn sách này đã giúp cho họ chữa lành được vết thương của tâm hồn, khai sáng và dẫn họ đến những điều tích cực, giúp họ thay đổi bản thân mình để tiếp tục vững vàng đi tiếp trên hành trình của cuộc đời.
Vì vậy, có thể khẳng định thói quen đọc sách là một trong những thói quen quan trọng đối với mỗi người. Khi tạo cho mình thói quen đọc sách, mỗi người trong chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc đọc sách đang giúp bạn tĩnh tâm lại và sống chậm đi. Một cuốn sách sẽ có thể đem đến cho chúng ta những ý nghĩ tích cực, cao cả về cuộc sống, hay sẽ giúp cho bạn nảy ra những ý tưởng mới để sáng tạo và phục vụ cho công việc trong nhiều lĩnh vực. Những cuốn sách có thể ví chúng như là một người bạn tốt của chúng ta, vậy nên, thói quen đọc sách sẽ mang lại cho bạn rất nhiều giá trị, từ vật chất cho đến tinh thần mà đến chính chúng ta cũng không thể ngờ tới. Đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu văn hóa thế giới, làm giàu thêm vốn hiểu biết của bản thân. Đồng thời thói quen đọc sách sẽ giúp kích thích các dây thần kinh não bộ, giảm chứng mất trí nhớ, giữ cho bộ não hoạt động, tránh lão hóa. Với những lợi ích trên, chúng ta nên luyện tập thói quen đọc sách càng sớm càng tốt.
Rõ ràng, với thói quen đọc sách, sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích tích cực và quý giá, thế nhưng đối với những người không thích đọc sách, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ nhưng so với những người có thói quen đọc sách, họ cũng sẽ có một vài điểm bất lợi.
Đầu tiên, đối với những người không có thói quen đọc sách sẽ rất hạn chế với vốn kiến thức của bản thân, nhất là trong xã hội đang phát triển nhanh như hiện nay thì đó sẽ là một thiếu sót lớn, làm ảnh hưởng đến sự thành công và các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống của họ. Tiếp theo, những người không có thói quen đọc sách sẽ thường có lối sống tiêu cực, sai lầm do tâm hồn và tích cách của họ không được bồi đắp thường xuyên, khiến cho họ dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực, rất khó để thay đổi tính cách và cuộc sống của mình.
Mặc dù, thói quen đọc sách là một việc làm rất tốt để thực hiện, thế nhưng chúng ta cũng nên tạo cho mình thói quen đọc một cách kiên trì và bền bỉ, đừng vội vã đọc sách theo kiểu qua loa, đọc cho có mà hãy chọn cho mình một cuốn sách phù hợp với nhu cầu đọc của bản thân. Hãy biết cách chọn lựa cho mình những cuốn sách phù hợp với bản thân, phù hợp với lứa tuổi và nghề nghiệp của mình. Hãy dành một khoảng thời gian thật tập trung để đọc, để nghiền ngẫm những thứ mà sách dạy. Sau đó, hãy biết cách áp dụng những thứ được học từ sách vào cuộc sống. Có như vậy, giá trị của việc đọc sách mới thực sự phát huy hết tác dụng.
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, in, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Đồng thời, cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
21/4 là con số đặc biệt mang ý nghĩa Văn hoá sâu sắc. Đó là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam - Đường Kách Mệnh (tác giả Hồ Chí Minh) - tác phẩm đầu tiên viết bằng tiếng Việt và được in bởi những người thợ in đất Việt. Bên cạnh đó, nhắc đến tháng 4 là còn nhắc cả Ngày sách và Bản quyền Thế giới 23/4, ngày mà Văn hóa đọc của toàn dân thế giới được tôn vinh và trân trọng.
Ngày nay, cùng với sách, các phương tiện thông tin ngày càng trở nên đa dạng. Văn hóa đọc hình thành từ khi có sách, đến nay không còn giữ nguyên ý nghĩa là đọc trong sách mà mở rộng thêm: đọc trong báo, đọc trên mạng… Sách tồn tại trong cuộc sống không chỉ là sách được bán ở hiệu sách mà sách được đưa lên mạng… Dù dưới hình thức nào, đối với con người, nhu cầu tìm hiểu thế giới tự nhiên và thế giới con người không bao giờ vơi cạn. Vì thế, sách mãi mãi vẫn giữ vai trò quan trọng của mình trong đời sống nhân loại, là phương tiện giúp con người nhận thức về thế giới và khám phá thế giới.
Chừng nào con người vẫn còn nhu cầu nhận thức về thế giới và thưởng thức vẻ đẹp của trí tuệ, chừng nào loài người còn biết đề cao văn hóa, và các giá trị tinh thần, thì chừng ấy sách vẫn còn là một công cụ hữu hiệu và vô giá trong công cuộc khai hóa nền văn minh. Sách không bao giờ cũ, đó là món hàng đặc biệt của nhân loại sẽ còn tồn tại mãi mãi cùng sự phát triển của nhân loại, bởi nó là một trong những điều kiện thúc đẩy sự phát triển của con người và xã hội. Thế hệ đi trước đã dùng sách để thắp lên ngọn lửa trí thức trong mỗi con người. Bằng cách đó lửa tình yêu đối với sách sẽ không bao giờ tắt.